Friday, October 8, 2010

Biện pháp nâng cao kết quả bộ môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đây là một trong những báo cáo tham luận của thầy Lý Thanh Bình, giáo viên trường THPT Ngan Dừa mà tôi nghĩ rất phù hợp cho việc hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh. Mời các bạn tham khảo.
(Sau này có trích dẫn thì nhớ ghi rõ nguồn gốc nhé)

BIỆN PHÁP NÂNG CAO KẾT QUẢ
BỘ MÔN TIẾNG ANH TRONG KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT



Tổ Tiếng Anh ở trường THPT Ngan Dừa có tổng cộng 06 thành viên, mỗi thành viên đều có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công tác giảng dạy, luôn cố gắng đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng loại đối tượng học sinh để các em có thể đạt được kết quả cao nhất trong học tập. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác giảng dạy vẫn chưa đạt theo yêu cầu đề ra, đây thật sự là một nỗi trăn trở hết sức to lớn đối với tất cả các thành viên trong tổ.
Năm học 2009 – 2010 vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của bộ môn Tiếng Anh của trường chỉ đạt trên dưới 12%, đây quả là một con số còn khá thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, vậy phải giải quyết vấn đề này như thế nào, đây quả thực là một câu hỏi hết sức nan giải. Nhưng nan giải không có nghĩa là không có hướng giải quyết, dưới đây tôi xin nêu ra những vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình giảng dạy cũng như chia sẻ những kinh nghiệm mà tôi đã từng áp dụng và đã đạt được một số kết quả nhất định trong kỳ thi tốt nghiệp ở năm học vừa qua.
1. Những khó khăn trong việc giảng dạy:
- Học sinh hầu như chưa nhận thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh, các em học cho qua loa, học để đối phó, có tư tưởng chỉ cần đạt được điểm 3 là đủ, chỉ cần học tốt những môn khác cũng đủ để bù qua môn này.
- Học tốt môn Tiếng Anh đòi hỏi học sinh ngoài việc tiếp thu các kiến thức căn bản trên lớp, các em còn phải coi lại các kiến thức trong sách giáo khoa lúc ở nhà để có thể nắm vũng kiến thức hơn. Nhưng hầu như ở lớp nào cũng vậy, vẫn còn một số em không trang bị được sách giáo khoa nên không thể nào củng cố lại các kiến thức đã được học.
- Tiếng Anh là một ngoại ngữ, muốn học tốt môn này đòi hỏi các em phải thường xuyên rèn luyện hết ngày này sang ngày khác, phải “mưa dầm thấm đất” thì mới có thể đạt được kết quả khả quan nhưng đa phần các em đều muốn học phải có kết quả ngay lập tức nên dễ có ý định bỏ liều, tới đâu thì tới.
- Đa phần các em đã mất kiến thức căn bản từ các lớp dưới nên rất khó tiếp thu được những kiến thức mới, dần dà các em chẳng biết gì, dễ sinh cảm giác thấy Tiếng Anh là sợ.
- Kỹ năng làm bài của học sinh còn rất yếu, bài tập đều là những kiến thức các em đã được cung cấp nhưng khi gặp phải các em lại chẳng phân biệt đâu là đáp án chính xác, đâu là những phương án nhiễu. Đây thực sự là một khó khăn mà theo tôi nghĩ chúng ta cần phải giải quyết thật sự triệt để.
2. Những giải pháp:
- Giáo viên cần dành một vài buổi nói chuyện với các em về tầm quan trọng của Tiếng Anh, giúp các em có được nhận thức đúng đắn mà cố gắng học tập.
- Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên kiểm tra sách giáo khoa của các em có đầy đủ hay không, vì đây cũng là một trong những nhân tố cơ bản để giúp các em dần dần cải thiện kết quả học tập của mình.
- Nhắc nhở các em thường xuyên sử dụng lại những kiến thức mình đã được học, có như thế các em mới dễ dàng ghi nhớ, tích luỹ được một số vốn Tiếng Anh kha khá.
- Cuối cùng, vấn đề mà theo tôi là quan trọng nhất để giúp các em đạt kết quả khả quan trong kỳ thi tốt nghiệp là giáo viên phải nhấn mạnh cho các em những điểm ngữ pháp nào thường xuất hiện trong kỳ thi và những phương pháp, những “mẹo” để làm bài trắc nghiệm một cách hiệu quả nhất:
+ Về phần ngữ âm: Giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách phát âm /ed/ và /s/, đây là phần ngữ âm mà hầu như năm nào cũng có xuất hiện. Giáo viên có thể cung cấp cho học sinh bảng phân biệt âm vô thanh và hữu thanh nhằm giúp các em dễ dàng có điểm trọn cho phần này. Ngoài ra, giáo viên cũng nên cung cấp cho học sinh những trường hợp phát âm có quy tắc cụ thể. Ví dụ: Khi một từ tận cùng là –tion hoặc –ion thì dấu nhấn được đặt trước nó một âm (chẳng hạn “internation”, từ này có 4 âm, thì trọng âm chắc chắn sẽ ở vị trí thứ 3). Tương tự như vậy, giáo viên có thể liệt kê thêm một số trường hợp đặc biệt nữa, chẳng hạn như tận cùng là -ic/ -ics, -ity… Nhưng giáo viên phải liệt kê trường hợp ngoại lệ, ví dụ như “politics”, trọng âm phải rơi vào âm tiết thứ nhất, thường đề thi có khuynh hướng xuất hiện một số trường hợp “bẫy” học trò theo kiểu đó.
+ Về phần ngữ pháp:
. Giáo viên cần cung cấp 7 thì cơ bản trong Tiếng Anh và những dấu hiệu nhận biết các thì đó, vì đa phần các câu hỏi về thì trong kỳ thi tốt nghiệp có dấu hiệu nhận biết hết sức rõ ràng, học sinh chỉ cần chịu khó học bài là có thể làm rất nhanh ở phần này.
. Cần phân biệt rõ cho các em sự khác nhau giữa các cấu trúc “…so…that…”, “…such… that…”, “…too… to…”…
. Ở câu bị động, giáo viên có thể chỉ cho các em một số cách nhận biết rất dễ dàng. Chẳng hạn, nếu câu chủ động là thì tiếp diễn thì chắc chắn phải có “being” trong bị động, thì hoàn thành thì phải có “been”, xuất hiện động từ khiếm khuyết thì phải giữ lại động từ khiếm khuyết đó và theo sau phải là “be”…
. Ở câu điều kiện, ngoài việc cung cấp 3 loại điều kiện, giáo viên cần chú ý nêu ra trường hợp “Unless = If… not…” và lưu ý với học sinh mệnh đề với “Unless” phải được chia ở thể khẳng định. Giáo viên cũng nên gợi ý với học sinh, thường trong 4 đáp án mà đáp án nào có “unless” thì đó thường là đáp án đúng. Thêm vào đó, giáo viên cũng cần lưu ý cấu trúc đảo ngữ “Had + S + V3/ed” thì tương đương với “If + S + had + V3/ed”
. Ở câu tường thuật, giáo viên cũng nên hướng dẫn cho các em một số quy tắc, chẳng hạn trong câu trực tiếp bắt đầu bằng một động từ thì trong câu tường thuật phải có “to”, “don’t” thì đổi thành “not to”. Ngoài ra, câu tường thuật là không có dạng câu hỏi nên nếu có sự đảo ngữ giữa chủ từ và động từ thì đó là đáp án sai.
. Về phần nhận diện lỗi sai, giáo viên nên hướng dẫn học sinh đọc hết nguyên câu, không nên chỉ đọc những phần được gạch dưới vì chúng có thể đúng trong ngữ cảnh này nhưng không đúng trong ngữ cảnh kia. Giáo viên lưu ý với học sinh cần chú ý nếu các từ được gạch dưới là mạo từ, từ nối, thường các lỗi sai ưa xuất hiện ở những điểm đó.
. Về phần đảo ngữ, giáo viên cần cung cấp rõ các cấu trúc đảo ngữ cơ bản cho học trò. Ví dụ: “No sooner + had + S + V3/ed + than + S +V2/ed”. Thường trong 4 đáp án trả lời, có 1 hoặc 2 đáp án là đảo ngữ thì chắc chắn đáp án đúng sẽ nằm trong các câu đảo ngữ đó.
Ví dụ:
Only if you promise to study hard ________ to tutor you.
A. will I agree                    B. agree I
C. I agree                          D. I will agree
Không cần đọc đề, ta thấy trong 4 chọn lựa có 2 câu đảo ngữ là A và B, áp dụng nguyên tắc này ta biết chắc rằng đáp án sẽ nằm trong 2 câu này nhưng B thì loại dễ dàng vì đảo ngữ mà đem nguyên động từ ra như vậy là sai, cuối cùng ta chọn A.
Trên đây là một số ý kiến chủ quan của tôi nên chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mong được ý kiến phản hồi của các thầy cô, tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu.